Chinh phục Phan Xi Păng Phan_Xi_Păng

Bia đá đánh dấu vị trí cao nhất của Phan Xi Păng (chụp vào năm 2010, trước khi Sun Group xây dựng khu du lịch)

Đỉnh Phan Xi Păng hiện là điểm hẹn của nhiều nhà leo núi. Việc chinh phục đỉnh núi này có thể được thực hiện qua các tour của các công ty du lịch lữ hành chuyên nghiệp hoặc tự túc với sự dẫn đường của người bản xứ. Lộ trình leo núi có thể bắt đầu từ Hà Nội đến Lào Cai bằng tàu hỏa trên quãng đường dài 333 km; rồi từ Lào Cai lên Sa Pa bằng ô tô qua 38 km; sau đó từ Sa Pa đến đỉnh đèo Trạm Tôn hoặc ít phổ biến hơn là khu du lịch Cát Cát bằng ô tô hoặc xe ôm. Tại đây có số người dân tộc Mông, Dao làm nghề cửu vạn phục vụ khách leo núi đông nhất.

Tuyến độc đạo lên đỉnh Phan Xi Păng (độ cao 3.000m)

Trước kia từ Sa Pa lên đỉnh Phan Xi Păng và quay trở về mất khoảng chừng 5–6 ngày. Hiện nay thời gian tổng cộng của chuyến leo núi chỉ còn 3 ngày, thậm chí 2 ngày hoặc với những người thành thạo và sức khỏe tốt thì có thể thực hiện trong một ngày.

Nếu thực hiện chuyến leo núi trong 2 ngày, sáng ngày thứ nhất du khách đi ô tô từ Sapa đến trạm kiểm lâm trên đỉnh đèo Trạm Tôn. Bắt đầu chuyến leo núi ở đó, đi xuyên qua các dãy núi, du khách sẽ dừng chân vào cuối buổi chiều ở một địa điểm cao khoảng 2.800m. Họ sẽ cắm trại, nấu ăn và nghỉ qua đêm ở đây. Ngày thứ hai từ địa điểm cao 2.800m đó, họ sẽ leo lên tới đỉnh Phan Xi Păng 3.143m vào khoảng 10h sáng, đây là quãng đường vất vả nhất trong toàn bộ cuộc hành trình. Sau đó du khách quay về trại nghỉ, ăn uống rồi tiếp tục xuống núi, về đến Trạm Tôn vào khoảng 7h tối, lên ôtô về Sapa. Một quy định cho các nhà leo núi ở đây là không được xả rác trong rừng, tất cả sẽ được mang theo rồi đốt đi.

Mỗi đoàn leo núi có ít nhất hai hướng dẫn viên hoặc người dẫn đường. Ngày thứ hai khi du khách lên đỉnh Phan Xi Păng, một trong hai người sẽ ở lại trại nấu ăn. Ở gần đỉnh núi, du khách có thể hái măng về cho bữa ăn. Việc nấu nướng cũng rất khó khăn, du khách phải đi kiếm củi, làm bếp. Ban đêm thường mưanhiệt độ hạ xuống rất thấp.

Người leo núi cần có sức khoẻ tốt. Các vật dụng hữu ích cho cuộc leo núi này gồm giầy leo núi, áo mưa, lều, túi ngủ, thuốc men cá nhân, kẹo ngọt ăn để tăng glucose trong máu khi leo núi giúp giảm cảm giác tức ngực và khó thở khi leo lên cao. Việc hạn chế số lượng đồ dùng cá nhân giúp giảm trọng lực và làm việc leo núi dễ dàng.

Thời điểm leo núi thích hợp là từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên đường lên Phan Xi Păng đẹp nhất là khoảng cuối tháng 2, khi các loài hoa núi bắt đầu nở.

Cáp treo Fansipan

Bài chi tiết: Cáp treo Fansipan
Đi cáp treo lên Fansipan

Tập đoàn Sun Group đã khánh thành tuyến cáp treo ba dây lên đỉnh Phan Xi Păng ngày 2 tháng 2 năm 2016. Kỷ lục Thế giới - Guinness World Record chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho cáp treo Fansipan Sapa là:

  • Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1410 m
  • Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6325 m

Tuyến cáp treo Fansipan Sapa được khởi công vào tháng 11 năm 2013, do Tập đoàn Sun Group đầu tư và thực hiện với sự tư vấn, thiết kế của hãng cáp treo Doppelmayr Garaventa. Công trình được thi công trong ở điều kiện địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt. Toàn bộ nguyên vật liệu đều phải vận chuyển thủ công từ dưới lên núi. Cáp treo có độ cao 3.143 m so với mực nước biển, khởi điểm từ Thung lũng Mường Hoa đến đỉnh Fansipan. Mỗi cabin cáp treo Fansipan Sapa có sức chứa tối đa 30 – 35 khách, công suất vận chuyển lên tới 2.000 khách/giờ. Thời gian từ ga đi tới ga đến chỉ mất 15 phút. Quãng đường từ bản Mường Hoa lên tới đỉnh đi qua 5 cột trụ chính, mỗi cột trụ cách nhau khoảng 1 km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của tổ hợp dự án là 4.400 tỷ đồng.

Nhà ga đi - Ga Sapa do Kiến trúc sư Bill Bensley thực hiện lấy ý tưởng từ hoa văn thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tây Bắc.[3][4]